Cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tin hoạt động | 19-06-2024 | 18 lượt xem

Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện CCHC hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương; thời gian hoàn thành và gửi về Sở Nội vụ tổng hợp, theo dõi chậm nhất ngày 30/6/2024. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền CCHC giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2024 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng các nền tảng kết nối, phần mềm trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, nhanh gọn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Các cơ quan, đơn vị chủ động, linh hoạt, đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, dễ khai thác, dễ sử dụng và giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Tham mưu các sáng kiến, mô hình, ý tưởng, giải pháp mới tạo bước đột phá trong CCHC; nâng cao chất lượng, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc đánh giá, đo lường sự hài lòng cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, tự kiểm tra CCHC, khắc phục các tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức triển khai các nội dung CCHC. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện việc xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm đạt điểm tối đa đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Phụ lục kèm theo Kế hoạch này. Người đứng đầu các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Giao Sở Nội vụ theo dõi, tổng hợp các tiêu chí đánh giá của các lĩnh vực: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (Trừ tiêu chí: Sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC; thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp); Cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ.  Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, tổng hợp các tiêu chí đánh giá của lĩnh vực: Cải cách TTHC; Tiêu chí “Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao” trong Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Sở Tư pháp theo dõi, tổng hợp tiêu chí đánh giá của lĩnh vực: Cải cách thể chế. Sở Tài chính theo dõi, tổng hợp các tiêu chí đánh giá của lĩnh vực Cải cách tài chính công (trừ tiêu chí “Thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước”); Các tiêu chí trong lĩnh vực Tác động của CCHC đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Thu ngân sách nhà nước, trong nhóm 20 địa phương cao từ vị trí thứ 31 đến 50 so với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tăng ít nhất 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên, 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên, 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm từ 10% đến dưới 30% chi thường xuyên; tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp tăng so với năm 2023.

Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp các tiêu chí: “Đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp” trong Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; “Thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước” trong lĩnh vực Cải cách tài chính công; “Mức độ thu hút đầu tư của tỉnh, cao hơn so với năm 2023”, “Mức độ phát triển doanh nghiệp của tỉnh, số vốn đăng ký của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng so với năm 2023”, “Tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt 100%”, “Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt >95%” trong lĩnh vực Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội. Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, tổng hợp các tiêu chí đánh giá về “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số”; Tiêu chí thành phần “Đăng tải thông tin CCHC trên website của tỉnh” trong Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Sở Khoa học và Công nghệ theo dõi, tổng hợp các tiêu chí: “Sáng kiến, giải pháp mới trong CCHC” trong Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC.

Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra các nhiệm vụ đã phân cấp quản lý cho cấp huyện, cấp xã; thời hạn hoàn thành trước ngày 15/11/2024. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị được kiểm tra xử lý dứt điểm tất cả các kiến nghị theo Kết luận kiểm tra phân cấp; báo cáo kết quả kiểm tra với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/11/2024 (qua Sở Nội vụ tổng hợp), trong đó nêu rõ số vấn đề đã kiến nghị xử lý, số đã xử lý xong, số vấn đề chưa xử lý, lý do chưa xử lý. Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục về CCHC để tuyên truyền về kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Giao Sở Nội vụ (Cơ quan thường trực công tác CCHC của tỉnh) đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả việc thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này; gắn kết quả thực hiện cải thiện, nâng cao các chỉ số CCHC, SIPAS với việc chấm điểm đánh giá chỉ số CCHC và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các cơ quan, đơn vị; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí, tiêu chí thành phần đối với các Sở, ngành được giao phụ trách đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ…/.

                                                                            

 

Lê Huệ